Hỏi: xin cha giải thích rõ về bí tích Thánh Thể
Trả lời :
Bí tích Thánh Thể được coi là Bí Tích quan trọng hơn hết vì có liên quan mật thiết đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, vì đây chính là bí tích ban sự sống mà Chúa Giê su đã thiết lập để cho ai “ ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời” như Chúa đã hứa cho những ai lãnh nhận bí tích này.( Ga 6:54)
Chính vì thế mà Bí Tích Thánh Thể cũng được coi là tột đỉnh của đời sống Kitô Giáo nói chung và của đời sống Giáo Hội nói riêng, vì mỗi khi cử hành Bí Tích này trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) Giáo Hội thông hiệp cùng Chúa Kitô để diễn lại cách bí tích Bữa Ăn sau hết của Chúa, nhất là cử hành lại Hy Tế thập giá mà Chúa đã một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa để đền tội thay cho cả loài người khỏi án phạt đời đời vì tội.
Thật vậy, Phúc Âm các Thánh Matthêu, Maccô, Luca và Thư mục vụ của Thánh Phaolô đều đã tường thuật rõ về Bữa Ăn sau cùng của Chúa Giêsu với Nhóm Mười Hai Tông Đồ. Trong Bữa Ăn lịch sử này, Chúa đã thiết lập hai Bí Tích rất quan trong : Đó là Bí Tích Thánh Thể ( Eucharist) và Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Hoy Orders) . để “ Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thể” ( Mt 28: 20) nên “ mỗi lần ăn Bánh hay uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1Cor 11: 26) để chuộc tội cho nhân loại và cho con người hy vọng được sống đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Trong thư Mục vụ thứ nhất gửi cho tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao lô đã tường thuật về việc Chúa lập Phép Thánh Thể như sau:
“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “ Anh em cầm lấy mà ăn , đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói : Đây là chén Máu Thầy , Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới. Mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” ( 1Cor 11: 23-26; Mt 26: 26-28; Mc 14: 22-24; Lc 22: 19-20)
Trên đây là nền tảng Kinh Thánh của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giê su đã thiết lập trong Bữa Ăn sau cùng với các Tông Đồ, trong đêm Người bị trao nộp vào tay kẻ dữ để bị dẫn đi chịu khổ hình thập giá ngày hôm sau. Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, trước hết, để “ mỗi lần ăn bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” ( 1Cor 11: 26). Loan truyền Chúa chịu chết để cậy nhờ hy sinh cực trọng này mà ơn cứu độ của Chúa được ban cho con người từ ngày đầu tiên đó cho đến ngày mãn thời gian trên trần thế này.
Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tin Lý Ánh Sáng Muôn dân ( Lumen Gentium) cũng dạy rằng: “ Mỗi lần Hy Tế thập giá được cử hành trên Bàn Thờ, nhở đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( LG, số 3)
Nghĩa là mỗi khi Thánh Lễ Tạ Ơn –hay Lễ Misa- được cử hành trên bàn thờ thì Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích nơi các thừa tác viên con người là Linh mục hay Giám mục – để diễn lại Bữa Tiệc Ly trong đó Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể -và sau đó- là Hy Tế thập giá để xin ơn cứu độ cho chúng ta ngày hôm nay cũng thể thức và mục địch mà Chúa đã một lần dâng trên thập giá xưa kia.
Như thế, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ là tham dự vào Bữa Ăn sau cùng của Chúa với 12 Tông Đồ, tức là tham dự vào việc Chúa lập Bí Tích Thánh thể để ban mình máu Người làm của ăn của uống cho linh hồn chúng ta trong cuộc hành trình tiến về quê Trời . Nhất là tham dự vào Hy Tế thập giá Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha một lần xưa trên Đồi Golgotha để xin ơn tha tội cho cả nhân loại.
Hy Tế này được tái diễn cách bí tích mỗi khi Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành trên bàn thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội ngày nay để hòa giải con người với Thiên Chúa, và xin ơn tha tội cho chúng ta , nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô mà cao điểm là Hy Tế đền tội Chúa dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa. Chỉ có Giáo Hội Công Giáo La Mã và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Othodox Churches) g mới có nghi lễ diễn lại Bữa Ăn cuối cùng của Chúa và Hy tế đền tội cho nhân loại trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn mà thội .Vì thế, phụng vụ Thánh Thể mới được coi là đỉnh cao của đời sống Giáo Hội và của mọi tín hữu đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Vì chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương mới có Bí Tích Thánh Thể, nên khi tín hữu Công giáo không tìm được nhà thờ Công Giáo thì được phép lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể ở các nhà thờ Chính Thống.
Bí Tích Thánh Thể vô cùng quan trọng vì lời hứa sau đây của chính Chúa Giêsu:
“ ai ăn thịt Ta và uống máu Ta , thì được sống muon đời
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6: 54)
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6: 54)
Thịt và máu Chúa được ban qua bí tích Thánh Thể dưới hai hình thức bánh và rượu nho được truyền phép trong Thánh Lễ Tạ Ơn . Nhưng muốn có bí tích này thì buộc phải có thừa tác viên có chức thánh hữu hiệu như linh mục và giám mục Công Giáo , thì việc truyền phép (consecration) mới hữu hiệu ( validly) được
Phải nói lại điều này. vì ở một số giáo phái Tin lành, người ta cũng có nghi thức bẻ bánh và uống rượu.; và các mục sư Tin Lành cũng đọc lời Chúa nói trong bữa ăn sau hết khi Người trao Bánh Và Chén rượu cho các Tông Đồ. Nhưng vì họ không có chức linh mục hữu hiệu, nên không thể có bí tích Thánh Thể được. Nghĩa là không thể có được sự biến đổi bản thể ( transubstantiation ) của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô như Giáo Hội tin và dạy con cái mình phải tin cho được lãnh nhận các lợi ích thiêng liêng Chúa ban qua bí tích này
Thật vậy, trong niềm tin của Giáo Hội, thì khi linh mục hay giám mục đọc lời Truyền Phép thì thì bản thể ( substance) của bánh và rượu tức khắc trở thành Bản Thể của Chúa Kitô, nghĩa là có Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi hai chất thể là bánh và rượu nho.Đây là niềm tín của Giáo Hội , và ai không tin hay dạy điều gì khác với niềm tin của Giáo Hội, thì sẽ bị coi là rối Đạo ( Heresy) và việc rước lễ sẽ trở nên vô ích cho người đó.
Chính vì niềm tin có Chúa Kitô thực sự hiện diện trong chất thể bánh và rượu nho, nên muốn lãnh nhận Mình Máu Chúa khi tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn, thì người lãnh nhận phải ở trong tình trạng có ơn phúc, nghĩa là sạch tội trọng ( mortal sin) vì là theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội thì “ ai đang có tội trọng thì không được dâng lễ ( linh mục) và rước lễ ( giáo dân)( giáo luật số 916 ; SGLGHCG số 1415)
Nghĩa là, cho được xứng đáng cử hành và rước Mình Máu Chúa Kitô thì phải sạch tội trọng , ví “ bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.’’ Như Thánh Phaolô đã dạy. ( 1Cor 11: 27)
Các tín hữu bên ngoài Giáo Hội Công Giáo không được mời lãnh nhận bí tích Thánh Thể, vì họ không am hiểu ý nghĩa và mục đích của bí tích này, cho dù họ có tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô như các anh em Tin Lành và Anh Giáo. Nhưng vì họ chưa hiêp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nên không thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phường như đã nới ở trên.
Chúng ta vô cùng cảm tạ Chúa Kitô, vì Người đã đã ban cho chúng ta phương tiện hữu hiện để được thánh hóa và bảo đảm sự sống đòi đời với Chúa trên Nước trời mai sau. Vậy chúng ta phải năng lãnh nhận Bí Tích này để được thông phần sự sống thần linh với Chúa ngay từ ở đời nay trước khi được tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa trên Thiên Đàng mai sau.Amen.
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra, và xin cám ơn quí độc giả đọc bài viết này của tác giả.
Đăng nhận xét