Đôi nét về tiểu sử Thánh Đaminh Savio: " Cậu bé phi thường"


  
Tác phẩm tươi đẹp nhất của khoa giáo dục Salesien   
“Một tấm gương sáng của các thiếu niên trong thời đại này, cậu đã giữ chọn tấm áo Rửa tội cho tới giây phút cuối cùng, trong cái cuộc sống ngắn ngủi cậu đã nâng mình lên để không vướng một tì ố nào: thật cậu nhỏ này thật là một đấng thánh."
Thánh Piô X   

“Don Bosco xuất hiện giữa chúng ta với một cậu bé, hai cha con tay trong tay,  cậu học sinh của Ngài thật là bé nhưng đồng thời cũng vĩ đại thay. Đa-Minh Saviô! Cậu là một trong những đóa hoa đầu mùa của phương pháp giáo dục Don Bosco, cậu là bông hoa tươi đẹp hơn cả, bông hoa đầu mùa…”


PIÔ XI 
  

“Trước mặt chúng ta hình ảnh tươi đẹp của ĐAMINH SAVIÔ, cậu thiếu niên đáng yêu, không sức mạnh của thân xác, nhưng tâm hồn cậu, với đức khiết trinh và lòng mến dạt dào, luôn hướng về tình yêu của Đấng Quyền phép: Chúa Giêsu Kitô.
"Ở trong trường của Cha dẫn đàng cậu, Cha Gioan Bosco, cậu đã học được thế nào là nguồn vui phụng sự Chúa và yêu mến đồng loại: đó là những bí quyết kỳ diệu của việc Tông đồ.”


Những ngày diễm phúc của Đaminh Saviô  


Sinh ngày:                             02/04/1842

Rửa tội ngày                          02/04/1842

Chịu lễ lần đầu ngày                08/04/1949

Thêm sức ngày                        13/04/1853

Vào nhà Cha Thánh Bosco         29/10/1854

Qua đời ngày                           09/03/1857

Được phong đáng kính ngày       09/07/1933

Được phong Á Thánh ngày          05/03/1950

Được phong Hiển Thánh ngày      12/06/1954
PIÔ XII
   

NHỮNG NĂM THƠ ẤU    

ĐA MINH SAVIÔ mở mắt chào đời ngày 2 tháng 4 năm 1842, trong một buổi sáng đẹp trời về mùa xuân, tại làng Riva, thuộc tỉnh Chiêra, ở mạn bắc nước Ý. Dân làng ở Riva vốn mộ đạo, nên không bao giờ chịu để con cái họ phải sống lâu ngày dưới ách tội lỗi: ngay khi có thể, họ liền tìm cách cho đứa trẻ sơ sinh được lĩnh nhận dấu hiện của Chúa Ki-tô nơi giếng rửa tội. Cũng vì tập tục tốt đẹp này mà Đa-Minh Saviô đã được chịu phép rửa ngay chiều hôm cậu sinh ra.
Cha cậu, ông Carôlô Saviô, hồi trước làm nghề nông, sau đã trở thành một bác phó rèn tầm thường trong làng Riva, còn mẹ cậu thì sống về nghề thêu. Cậu là con thứ của gia đình mười người con, nhưng vì người con trưởng chết ngay sau khi sinh vài ngày nên cậu đã trở thành anh cả trong gia đình.
Năm cậu mới được hai tuổi, vì thiếu công ăn việc làm, cha cậu đã phải bỏ làng Riva, đem cả gia đình tới sinh sống ở Murialdô, một xóm nhỏ ở sát cạnh làng Riva. Gia đình Saviô đã phải ở đó đến chín năm, và mọi người ở đây còn nhớ rất rõ về cậu Đa-Minh Saviô.

Ngay khi cậu mới bập bẹ biết nói, mẹ cậu, là một giáo hữu rất sốt sắng, đã dậy cậu đọc những kinh nguyện dễ nhất. Chẳng bao lâu, cậu đã biết đọc thuộc lòng một mình. Ở vào cái tuổi mà các trẻ em chỉ biết nô đùa, Saviô lại chỉ thích lui vào một góc nhà để cầu nguyện.


Trong gia đình Saviô, mọi người có thói quen bao giờ cũng đọc kinh trước khi ngồi vào bàn ăn. Nếu đôi khi người ta có quên việc đó thì Saviô liền nhìn
cha cậu và ngoan ngoãn thưa: “Ba ơi! Chúng ta quên chưa xin Chúa chúc phúc cho bữa ăn của chúng ta”. Và người ta liền chữa lại sự sơ xuất đó ngay. Tuy vậy, có một ngày kia Saviô đã không dám nói gì cả.


Hôm đó nhà có khách. Đến bữa ăn ông khách ngồi ngay vào bàn và đánh chén một cách ngon lành, khác nào một con ngựa hay một con chó đói lả vì mới đi xa về. Thấy ông khách không thèm làm ít là một dấu Thánh giá, Saviô lủi thủi bỏ bàn ăn và đến một mình trong xó nhà.

Khi ông khách ra về, ông Carôlô liền hỏi con: “Tại sao lúc nãy con không ngồi ăn với chúng ta?”. Saviô ngượng nghịu trả lời: “Thưa ba con không muốn ở gần ông khách đó, vì ông ta ngồi vào bàn ăn chẳng khác gì con vật cả!”
Cậu Thánh trẻ tương lai đã tỏ rõ tâm hồn cậu đáng yêu chừng nào, và nhờ đó ta cũng biết rằng suốt đời cậu, cậu chỉ ao ước được phụng sự Chúa trước hết mọi người khác.

Đó thật là một bài học hay cho trẻ em cũng như cho người lớn!

MỘT CẬU BÉ ĐẦY HỨA HẸN  

Hạnh phúc của Saviô không phải chỉ là được cầu nguyện lâu giờ với Thiên Chúa, mà còn là được tới nhà thờ nữa. Buổi đầu cậu đi với mẹ, rồi sau ít bữa khi đã thuộc đường, cậu đi một mình.


Năm chưa đầy sáu tuổi, câu đã biết giúp lễ! Nhưng cậu rất buồn chán vì thấy mình thấp bé: cậu có thể bưng hai ve rượi và nước một cách dễ dàng nhưng đến cuốn sách lễ to tướng thì… thật là khổ hết chỗ nói! Cậu đã phải kiễng chân mãi mới với tới bàn thờ. Cái thú lớn nhất mà Cha Sở có thể ban cho cậu chính là đẩy cuốn sách ra sát mép bàn thờ để cậu có thể với tới và ôm sang bên kia bàn thờ. Cha Sở hiểu như vậy và Ngài thường làm như thế luôn!
Một buổi sáng mùa đông, vừa mở cửa nhà thờ, Cha Sở Zucca đã vô cùng bỡ ngỡ khi thấy cậu giúp lễ nhỏ xíu của Ngài đã quỳ trước cửa từ bao giờ! Dù trời lạnh buốt, Saviô vẫn quỳ ở đó, cầu nguyện với cả tấm lòng sốt sắng, không buồn để ý đến những cánh tuyết cuộn bay lả tả đã phủ đầy trên mình cậu, biến cậu thành một người tuyết bé nhỏ!
Cha Sở đã gặp cậu như thế rất nhiều lần… đến nỗi Ngài đã phải nghĩ rằng hẳn là chú bé này phải yêu mến Chúa Giêsu lắm mới làm như vậy!
Và quả thật Đa Minh Saviô rất yêu mến Chúa.
ĐA MINH SAVIÔ cũng rất yêu mến cha mẹ cậu, Mẹ cậu đã nói về cậu:“Không bao giờ nó làm mất lòng tôi một tý nào cả”. Còn cha cậu, ông đã gọi cậu là “Thiên thần nhỏ của cha”.
Mỗi khi đứa con nhỏ của ông thấy ông đi làm về nó đều chạy tới, nhảy lên ôm lấy cổ ông. Rồi nắm tay cha, Saviô đi cạnh ông và nói: “Ba thân mến của con! Chắc ba mệt lắm nhỉ? Ba làm việc cho con nhiều quá, còn con, con chỉ biết nô đùa cả ngày thôi hà! Nhưng ba ạ, con sẽ xin Chúa ban cho cha được mạnh khỏe và cho con được ngoan ngoãn luôn!”. Nghe những lời đó cha cậu rất sung sướng  và quên hết cả mệt nhọc.
Chúa nhân lành không thể không chúc phúc cho một đứa trẻ ngoan ngoãn như vậy! Ngài đã ban cho Saviô ơn huệ lớn nhất, đó là ơn ngự vào lòng cậu ngay ở tuổi mà không ai được phép đón rước Ngài.
Thật thế, Đa Minh Saviô mới có bảy tuổi mà cậu đã thuộc lòng tất cả các giáo lý căn bản trong đạo và đã hết lòng ao ước được chịu lễ lần đầu. Khốn thay! Giáo luật thời đó không cho phép trẻ em rước lễ trước năm 11 tuổi!... Làm thế nào bây giờ? Cha Sở Zucca cũng rất muốn chiều theo ý muốn của cậu bổn đạo nhỏ trong xứ Ngài, nhưng  còn sợ các cha Sở các họ lân cận bàn ra tán vào. Vì thế, Ngài đã tới gặp và bàn hỏi với các vị này. Trong một phiên họp, Ngài đã trình bày với họ về trường hợp đặc biệt của cậu bé Saviô: khôn ngoan, đạo đức, thuộc kinh bổn, đói khát Bánh Thiên Thần… như vậy không lẽ phải bắt cậu phải chờ những bốn năm nữa mới cho cậu rước Chúa!... Kết cục, Cha Sở họ Murialdô đã vô cùng sung sướng thấy các linh mục bạn cũng đồng ý ban cho Đa Minh Saviô ơn trọng được rước Chúa ngay trong tuổi này! Hẳn là Thiên Chúa đã xui khiến các Cha Sở không ít, để các ngài đồng lòng tán thành việc này.

NGÀY RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU   

Một buổi sáng đẹp trời trong Mùa Chay Cả, Cha Sở Zucca đã cho Saviô hay: “Con hãy dọn mình trước đi! Chúa nhật Phục Sinh tới này con sẽ được rước lễ lần đầu với các trẻ em khác trong họ nhà!”.Saviô không cầm nổi sự vui mừng nữa! Được rước Chúa ngay năm nay! Thật là may mắn! Lập tức, cậu liền bắt đầu sốt sắng dọn mình, và cậu còn muốn ngoan ngoãn hơn những ngày thường nữa, dù đó không phải là chuyện dễ!
Chiều hôm trước ngày diễm phúc, cậu đã rụt rè tiến đến bên mẹ và nhỏ nhẹ thưa: “Mẹ ơi! Mai con sẽ được chịu lễ lần đầu. Xin mẹ tha cho con tất cả những điều lầm lỗi. Con xin hứa với mẹ từ nay con sẽ ngoan  ngoãn hơn, sẽ chăm chỉ học hành trong lớp và chịu khó vâng lời ở nhà!”. Mẹ cậu vô cùng cảm động, nghẹn ngào không nói lên lời, để mặc nước mắt trào ra… Khó nhọc lắm bà mới nói được vài lời, tay ghì chặt con vào lòng:“Con yêu của mẹ! Con hãy yên trí! Mẹ đã tha cho con tất cả rồi! Con hãy cầu xin Chúa giữ gìn linh hồn con luôn trong trắng, hãy cầu cho ba con và cho cả mẹ nữa”.

Yên lòng, cậu bé của chúng ta liền đọc kinh tối rồi lên giường ngủ. Nhưng cậu cảm thấy quá sung sướng khi nghĩ tới ngày mai, đến nỗi gần như không nhắm mắt được trong đêm đó.


Hôm sau, ngày Lễ Phục Sinh, vừa tảng sáng, cậu đã trỗi dậy trước mọi người. Người ta mặc cho cậu một bộ đồ mới và đeo băng tay cho cậu. Rồi cha mẹ, họ hàng của cậu đều theo cậu tới làng Castelnuôvô, nơi sẽ cử hành nghi lễ. Họ đạo Murialdô quả là diễm phúc vì chính tại đây, Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục lỗi lạc và là một Cha thánh nổi danh, có công lớn nhất trong việc thánh hóa Đa Minh Saviô, cũng đã rước lễ lần đầu ở đây.


Dù phải đi bộ những bốn cây số gia đình cậu cũng đã tới nơi sớm nhất, lúc mà nhà thờ vẫn chưa mở cửa! Đối với cậu bé sắp được rước lễ của chúng ta, như thế chẳng thiệt thòi gì cả… Cứ theo thói quen, cậu quỳ ngay xuống trước cửa nhà thờ và bắt đầu cầu nguyện.

Nghi lễ này long trọng không kém gì những nghi lễ của những người lớn. Mẹ Saviô cầu cho con bà: còn người cha thì lúc nào cũng chăm chú nhìn Saviô. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và em Đa Minh Saviô mới cảm động làm sao! Cuộc gặp gỡ đó êm đềm đến nỗi lễ nghỉ đã kết thúc sau 5 giờ đằng đẳng mà cậu bé cũng không hề hay biết gì cả! Chậm rãi, các trẻ khác đứa nọ tiếp đứa kia đều đã ra gặp cha mẹ chúng ở ngoài sân nhà thờ. Duy có Đa Minh Saviô là quỳ ở đó, trơ trọi giữa hàng ghế dài, đầu cúi xuống, tay chắp lại. Cha Sở Zucca phải từ từ bước lại, báo cho cậu biết là cha mẹ cậu đang đợi ở ngoài, cậu bé mới sửng sốt đứng lên, mỉm cười rồi nhẹ nhàng bước ra gặp cha mẹ và họ hàng. Cậu cảm thấy nhẹ nhõm như muốn bay bổng lên Trời… Đó phải chăng vì cậu vừa ăn chính Bánh Thiên Thần và vì tâm hồn cậu trong sạch như một bông huệ trắng tinh?

Vừa trở về nhà, Saviô vội tìm cuốn sổ để ghi những kỉ niệm. Những kỉ niệm của ngày hôm nay không phải là những kỉ niệm đẹp nhất đời cậu sao?


Và, với bàn tay học sinh run run vì cảm động, cậu đã viết những hàng này trên một tranh giấy trắng tinh:

“Đây là những quyết định mà em, Đa Minh Saviô đã chọn trong năm 1849, nhân dịp chịu lễ lần đầu lúc 7 tuổi:

1. Em sẽ năng xưng tội và sẽ chịu lễ tất cả mọi lần cha giải tội cho phép.

2. Em muốn thánh hóa những ngày lễ.
3. Bạn của em sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
4. Thà chết chẳng thà phạm tội.

Những quyết định anh dũng này, Saviô không phải chỉ viết ra cho vui mà suốt đời cậu đã không ngừng giữ chọn! Và chính vì cậu đã giữ chọn cả 4 điều trên mà cậu đã trở nên một vị thánh.


Hỡi các em nhỏ trai, gái đang đọc anh, các em có luôn luôn giữ chọn lời hứa của các em như thế chăng?


Tiện thế, anh muốn khuyên riêng những em nào chưa chịu lễ lần đầu: khi nào ngày hạnh phúc đó đến, các em hãy “mượn” của Đa Minh Saviô 4 điều quyết định trên, các em hãy cẩn thận ghi 4 điều đó vào sách học và với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, cũng như của “anh cả Saviô”, các em hãy cố gắng giữ chọn trong cả đời các em, như thế, anh dám quả quyết với các em rằng rồi đây các em cũng là những Thánh Trẻ, những Saviô của đất Việt mến yêu…


Nếu con là một con chim nhỏ
   


Sau khi rước lễ lần đầu, Đa Minh Saviô vẫn tiếp tục theo học ở nhà xứ của Cha Sở họ Murialdô, nhưng tới năm 10 tuổi, cậu phải nghĩ đến việc đi học ở trường làng. Khốn thay trường làng lại ở mãi Castelnuôvô, tức là cách xóm Murialđô những 4 cây số! Ở trọ nhà người ta, Saviô không dám nghĩ đến truyện đó, vì cha cậu phải khó khăn lắm mới nuôi sống nổi một gia đình đông con như vậy.
“ Ôi nếu con là một con chim nhỏ, Saviô than thở, con sẽ bay tới Castelnuôvô mỗi sáng và mỗi chiều… Như thế, con sẽ có thể tiếp tục theo học…”
-Nhưng con không phải là một con chim! Bà mẹ nói. Vì thế, tốt hơn là con đừng nghĩ tới việc theo học nữa! Với lại, con gầy yếu thế này thì làm gì được! Này, con trông! Những cánh tay của con gầy trơ cả xương ra đây này!

-Mẹ cứ để con thử xem nào, Saviô nài nẵng, biết đâu đi bộ chân con lại chẳng khỏe hơn!

- Nhưng, bà mẹ lo lắng nhìn con, con hãy nghĩ lại đi! Đi bộ những 16 cây số… mà ngày nào cũng vậy!


- Nhưng, thưa mẹ, con mười tuổi rồi mà!


- Dù sao mẹ tin rằng con cũng không đi bộ xa như thế được đâu!


- Con van mẹ đấy! Xin mẹ cho con thử ít bữa, chứ bắt con phải bỏ học luôn, con tiếc lắm, mẹ à! Con van mẹ đấy!


Saviô nài nẵng quá đến một chiều kia, cha cậu đã phải xiêu lòng nói với mẹ cậu:


-Thôi, thì mình cứ để cho con nó thử! Tôi xem nó cũng có vẻ khá dai sức đấy! Với lại sau này nếu nó chịu không nổi thì bấy giờ mình cho nó thôi học luôn cũng không muộn mà.


Thế là ngày 21 tháng 6 năm 1852, nhằm đúng ngày lễ Thánh Lu-y đệ Gông-gia-ga, Đa Minh Saviô bắt đầu khởi hành từ Murialdô tới Castelnuôvô. Dù đường dài lại lắm đá sỏi nhưng vì tiết kiệm, Saviô cũng không dám đi giầy mà phải đeo trên vai. Tại trường làng, Saviô theo học lớp ba tiểu học, và chẳng bao lâu cậu chiếm được vị trí đầu lớp.


Con đường mà Đa Minh Saviô phải đi mỗi ngày bốn lần đó vốn nổi tiếng là lắm trộm cướp. Dù thế, cậu học trò cam đảm của chúng ta cũng không biết sợ là gì. Mùa hè cũng như mùa đông, dưới trời mưa lạnh cũng như dưới trời nắng gắt, cậu vẫn hăng hái bước đều trên khoảng đường dài đặc và vắng tanh này, khác nào một đứa trẻ coi sự đến trường là một hạnh phúc lớn lao!


Biết bao nhiêu học sinh nam cũng như nữ, có thể lấy Saviô làm gương, nhất là những học sinh sống ở tỉnh thành và chỉ cần đi mấy bước là tới trường.

Bởi đâu Saviô đã có can đảm và hăng hái đến trường như vậy? Các em sắp được biết đây…

Một buổi chiều mùa hạ, trời nóng như thiêu lửa đốt, cậu học trò dũng cảm của chúng ta đang hăng hái bước về Castelnuôvô. Giữa đường, cậu gặp một người lạ mặt đi cùng chiều với cậu. Khi tới bên Saviô, người này bắt đầu hỏi chuyện cậu:


-Này, em nhỏ! Đi một mình trên con đường hoang vắng này mà em không sợ sao?


- Dạ thưa ông, Saviô trả lời, cháu có đi một mình đâu!


- À, người lạ hỏi lại. Thế em đi với ai vậy?


- Dạ, với Thiên thần Bản mệnh của cháu! Cháu đi đâu Ngài cũng đi theo cháu cả…


Người lạ sửng sốt trước câu trả lời bất ngờ của cậu, lại hỏi tiếp:


-Nhưng dù sao, mỗi ngày phải đi đến bốn lần như thế này để tới Castelnuôvô, chắc em cũng cảm thấy mệt chứ?


- Ồ, thưa ông, Saviô tươi cười trả lời, khi người ta làm việc cho một ông chủ trả công rất hậu thì người ta còn biết mệt là gì nữa chứ!


- Thế ra em đi làm công hở?


- Dạ, vâng! Cháu làm  công cho Chúa! Ngài đã phán là Ngài sẽ thưởng công cho cả những ai cho kẻ khác một cốc nước lã vì danh Ngài.


Nghe những lời đó, người lạ hiểu rằng cậu học trò đang ở bên ông không như những đứa học trò khác. “Một đứa bé còn trẻ thế này mà đã biết lý luật như vậy, ông tự nhủ, thì thế nào một ngày kia người ta cũng phải bàn tới nó”
Và ông đã không lầm!
Chuyên mục:

Đăng nhận xét

[facebook][disqus][blogger]

Giáo xứ Ngô Khê

{facebook#https://www.facebook.com/profile.php?id=100011937845638} {twitter#https://twitter.com/giaoxungokhe} {google-plus#https://plus.google.com/u/0/113369306614831660046} {youtube#https://www.youtube.com/c/Gi%C3%A1oX%E1%BB%A9Ng%C3%B4Kh%C3%AA}

Ban Quản Trị Website

Tên

Email *

Thông báo *

Hình ảnh chủ đề của friztin. Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget