Lần đầu viết về quê hương mà thấy đau đáu, day dứt!
Ngày nóng mà ký ức ùa về, quê Ngô Khê với dòng sông Ngũ Huyện Khê.
![]() |
Một phần sông Ngũ Huyện Khê (Cầu Ngô Khê) |
Ngũ Huyện Khê - con sông một thuở đã từng là con đường giao thông huyết mạch của vùng đất phía Bắc với thành Cổ Loa - Nơi giao thoa của các nền văn hoá Việt cổ, cầu nối sông Hồng với sông Cầu huyền thoại. Thời Lý (thế kỷ XI- XIII) con sông này chính thức được đào nhằm vào mục đích thủy lợi và giao thương nên không ngạc nhiên là dọc dòng sông này là hàng chục làng nghề truyền thống ở đôi bờ sông. Đi theo kinh tế phát triển thì văn hoá cũng từ đó mà định hình nên mật độ các làng Quan họ cổ nức tiếng tập trung ở hạ lưu con sông này khá dày đặc: Diềm, Đương Xá, Châm Khê... và cả nghệ thuật Tuồng cũng tồn tại qua hàng nghìn năm ở làng sắt Đa Hội.
Hội thuỷ, hội nhân. Người Việt thường quần tụ ở các lưu vực sông với nghề trồng lúa nước và từ đó các làng nghề ngày càng sinh sôi. Với 24 km qua địa phận Bắc Ninh, sông Ngũ Huyện Khê xứng đáng là vùng đất tiêu biểu cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
![]() |
Tranh đông hồ - sản phẩm từ giấy gió |
Nơi đây đã từng cung cấp dụng cụ sản xuất nông nghiệp cho cả miền xuôi, miền ngược với cày, bừa Đông Xuất (Đông Thọ, Yên Phong); búa, liềm, mai, thuổng, cuốc, dao, kéo... Đa Hội (Châu Khê, Từ Sơn) và một thời giấy dó Đống Cao (Phong Khê) đã góp phần làm rạng rỡ nền nho học, khoa bảng và nét tươi sinh cho tranh Đông Hồ.
Từ hàng ngàn năm trước thì GIẤY DÓ là sản phẩm truyền thống nức tiếng của Phong Khê. Họ sản xuất rồi mang bán khắp nơi, sản phẩm đẹp dùng để in tranh Đông Hồ, dùng để đóng sách, phục vụ thi cử, sản phẩm thô hơn thì cung cấp cho làng sản xuất pháo Bình Đà, ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác nữa. Hoàn toàn làm bằng tay nên rất đẹp, chất lượng. Công việc tuy rất vất vả nhưng người dân cũng đủ ăn đủ tiêu.
Cuộc sống quẩn quanh với đồng ruộng và nghề phụ nhưng cũng là chính là sản xuất giấy diễn ra trong yên bình, cho tới những năm cuối 1980, tôi nhớ chính xác thì 1987 người dân bắt đầu nhập máy móc, công cụ sản xuất từ Tàu về, mục đích là thay thế sức người và gia tăng năng xuất với nhu cầu ngày càng lớn của thị trường rộng hơn. Thay vì chỉ sản xuất giấy dó giờ người dân mở rộng làm giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy bao bì, giấy công nghiệp và cả giấy in...
Chỉ sau vài năm ngành này phát triển nhanh, nhà nhà đua nhau làm, tiền về nhiều hơn khắp thôn xóm. Theo thống kê của UBND phường Phong Khê thì từ những năm 2005, 2006 khi làng nghề đạt đỉnh thì doanh thu có thể lên tới 5000, 6000 tỷ đồng/năm, cuộc sống về vật chất vì thế được nâng cao, dân tứ xứ cũng về nhiều vì nhu cầu nhân lực sản xuất ngày càng tăng. Kinh tế phát triển nhưng quy hoạch vẫn theo kiểu làng khép kín dẫn đến tình trạng mạnh ai ấy làm, cờ ai người đó phất mặc cho môi trường tự nhiên, xã hội có thế nào thì TIỀN mới là thước đo cho sự giầu có! Đó là sự phát triển lệch lạc, chỉ quan tâm lợi ích trước mắt còn tương lai đã có con cháu lo! Tệ nạn ở đâu cũng có, cũng nóng nhưng có nóng đến mấy thì cũng không thể bằng Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở PHONG KHÊ!
Dòng sông thơ mộng hiền hoà và cũng dữ dội mùa nước trước đây thì giờ là ký ức tiếc nuối! Vì sông đã không còn chảy được nữa. Nơi gắn với tuổi thơ bắt cá, đánh năng dọc sông, kéo chài, đơm đó bao thế hệ cha ông và chúng tôi...giờ đã thành hoài niệm chôn sâu! Nếu trước kia dọc sông là hàng trăm rặng tre quanh năm xanh mướt, những bãi sông cũng toàn tre, nước sông trong đục theo mùa nhưng sạch mang cá tôm hàng ngày tới từng mâm cơm mỗi gia đình.
Năm 1993 do gia đình làm nhà mới nên chúng tôi phải hoại bớt tre quanh nhà, mấy bố con cùng mai, xà beng, búa chim, thuổng hì hục hàng tháng trời đào hàng trăm gốc tre rồi với xe kéo( quê tôi gọi xe cải tiến!), lại là hàng tháng trời trồng lại mấy trăm gốc tre đó dọc bờ đê. Nhiều nhà khác cũng theo nhau mà trồng tre khiến hàng km đê toàn tre. Rồi chúng cũng xanh mướt nhờ mưa, đất mầu từ ruộng sau mỗi năm đắp đê và cả hy vọng nữa. Giờ đã chặt hết rồi còn đâu? Với lý do chính đáng là tre ảnh hưởng đê nhà nước! Tôi nhớ mình đã tiếc đứt ruột vì hàng ngàn cây tre đó có một phần công sức của gia đình trồng hàng mấy tháng trời! Đó là nguồn măng tươi miễn phí vô cùng lớn một thời cho nhiều quán ăn quanh đó! Giờ họ ép loại bỏ, chặt rồi cũng chả làm gì được vì chả biết bán cho ai? Đi dọc đê giờ là đất trơ với nắng cháy không một bóng dâm, không mầu xanh và đầy khói bụi, hàng cột điện cao thế bê tông xù xì và hàng đống xi lanh của đám nghiện ngày thêm đông. ...
Hàng trăm ống xả nước thải, ống hút nước cho sản xuất suốt ngày đêm hùng hục như những mũi dao mũi giáo đâm chọc dòng sông đến tan thương, dòng sông giờ đã không thể thở nổi! Tôm cá nào sống nổi khi nước đã chuyển màu xanh đỏ? Mùi của thuốc tẩy zaven, cùng các loại chất hoá học độc hại khác xộc đầy mũi, miệng những ai lỡ đi qua!
Các ống khói từ nhà máy, xí nghiệp đốt rác, củi... không qua xử lý |
Hàng nghìn ống khói đua nhau băm nát nền trời xanh với thứ khói bụi từ những lò hơi của than đá, gỗ tạp và giờ là rẻ rách! Không khí đặc quánh mùi nhựa cháy khét mỗi buổi chiều oi ả, sau những cơn mưa nặng hạt từ hàng chục bãi rác lộ thiên không ai kiểm soát. Những bước chân giờ không còn hối hả mà thay vào đó là những chiếc xe tải thô kệch không ngừng cày nát bờ đê nham nhở đến tội nghiệp!Dòng sông đã bị bức tử, không khí đã nhiễm độc, cuộc sống đảo lộn từ đây!
Thấy thương những lá phổi mỏng manh của những phận người trong cơn bão kinh tế thị trường. Họ nhiều khi hiện lên trong tôi cứ lờ đờ mỗi bước chân, những khoé mắt cay sè vì bụi, những bàn tay, bàn chân vàng bệch vì phẩm nhuộm, những khuôn mặt hốc hác vì ca đêm chưa kể những tai nạn lao động kinh hoàng mà nhiều gia đình mất con, nhiều người chồng, người cha mất một phần thân thể để lại khó khăn nặng nề cho vợ con, nhiều chàng trai trẻ mất tương lai vì đã thành tàn phế! Có những tai nạn kinh hoàng mà không thể nêu ra ở đây nhưng cũng chỉ vài trăm triệu đồng là lại xong! Có vụ tai nạn một lúc mà mất tới 4,5 mạng người nhưng báo chí hoàn toàn không thể tiếp cận được vì nhiều lý do, quan trọng nhất vẫn là bao nhiêu tiền để đổi lấy sự im lặng đau đớn?
Giải pháp
Từ năm 1993 người dân và chính quyền đã phần nào nhận thức được vấn nạn ô nhiễm do ngành sản xuất giấy gây ra. Giải pháp đầu tiên là dự án xây dựng khu hồ xả thải, hệ thống bể lắng cặn, lọc độc tố trên diện tích hàng chục mẫu ruộng. Dự án kéo dài tới 10 năm nhưng do quy hoạch kém với tầm nhìn 5 năm thì đến giờ dù đã vận hành nhưng khu xử lý này chắc chỉ đáp ứng được 10/300 nhà xưởng! Tốn hàng chục tỷ đồng!
Năm 2005, 2006 lại có thêm dự án lớn liên quan đến xử lý nước thải, vốn đầu tư nghe đâu hàng trăm tỷ đồng! Sau 2 năm vốn đã sạch mà công trình ở đâu giờ không ai rõ? Bố tôi hồi đó làm thầu xây dựng có nhận một phần hạng mục bể nắng cặn, nhưng chỉ làm được vài tháng do ngửi thấy mùi bất ổn nên cũng buộc phải dừng nếu không muốn làm công không cho đám quan chức bất tài mà tham lam.
Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê đến 2016 vẫn chưa hoạt động |
Giờ, báo đài, mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước nói nhiều, quyết tâm nhiều, hứa hẹn nhiều...còn quê tôi càng ngày càng tan nát nhiều hơn! Vụ việc bên dưới đây xảy ra hàng ngày, ai cũng biết, cũng thưa đơn từ quá nhiều, có biểu tình trước ủy ban phường, có bắt quả tang doanh nghiệp đổ thải bừa bãi nhưng phạt vài chục triệu rồi vài hôm lại...tái diễn! Tình trạng bi quan tới mức tôi nghĩ dù có ông bộ TNMT về cũng không giải quyết được dứt điểm! Luôn luôn là quản lý quan niêu, tham nhũng, buông cho cấp dưới làm bậy từ chính quyền tp Bắc Ninh và phường Phong Khê. Họ sẽ để mặc dân chúng tôi vùng vẫy trong vô vọng!
Dân Kinh Bắc luôn tự hào vì di sản văn hoá Quan Họ đậm đà thì giờ đây chúng tôi có thêm di sản mới: ô nhiễm môi trường bậc nhất Việt Nam. Quê hương tôi sẽ đi về đâu?
Nguyen van Trung
Đăng nhận xét