Sống đạo kiểu “BAO CẤP”



Tôi cũng như rất nhiều giáo dân khác, đã thuộc về Hội Thánh Chúa nhiều năm, kể từ ngày nhận phép Rửa. Nhưng nghĩ cho cùng, chúng tôi đã mấy ai thực sự Sống trong lòng Hội Thánh ngoài việc tham dự thánh lễ và các sinh hoạt phụng vụ khác với tâm thế thụ động. Chúng ta đến với Hội Thánh như là đến với tư cách của “ người tiêu dùng”, tới một siêu thị tôn giáo, ở đó có các bí tích, có lời rao giảng từ phía các đấng bậc, phẩm trật.

Thiếu bóng dáng giáo dân trong các hoạt động
Hội Thánh đã qua bao đời là một cơ cấu được minh định: Giáo sĩ là chủ chăn, giáo dân là bầy chiên được chăn dắt. Tuyệt đại đa số giáo dân chỉ biết vâng phục, tuân theo những mệnh lệnh có khi đầy tính áp đặt của cha xứ. Trong lòng không thuận, không ưng nhưng vẫn phải “hãm mình chịu khó bằng lòng”. Nghĩ khác, nói khác thì dễ bị quy chụp là bất mãn, phản Chúa, phản cha…

Vai trò của người giáo dân, mấy năm gần đây tuy được nói đến nhiều nhưng theo tôi vẫn chưa có nhiều thay đổi, nhất là ở các vùng nông thôn, Nơi đây, một số đấng bậc vẫn có cái nhìn thiếu tin tưởng vào sự trưởng thành của giáo dân cả về đạo lẫn đời. Điều đó thể hiện qua nhiều mặt: Từ giảng dạy thiếu chuẩn bị chu đáo dẫn đến sai lệch kiến thức cơ bản, đến việc tổ chức các sinh hoạt, đoàn thể trong giáo xứ.

Việc xây dựng giáo xứ, tổ chức các hội đoàn cũng vậy. Một số đấng chỉ thích dùng người của mình, dễ sai khiến, hình thành lên một lớp “nghị gật”. Mọi thứ đều do cha xứ quyết định. Giáo dân không có ý kiến, chỉ biết dạ vâng vì “lời cha là ý Chúa!”. Đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở vật chất, ngoài cha xứ ra, thiếu bóng dáng giáo dân trong ban dự án, vận động tài chính.

Tinh thần dân chủ giúp giáo dân trưởng thành

Tuy nhiên vẫn có không ít nơi, vai trò của giáo dân được tôn trọng, tạo điều kiện cho giáo dân SỐNG tích cực trong Hội Thánh địa phương, nơi gia đình cư ngụ.

Tôi làm việc trong Hội đồng mục vụ (HĐMV) An Phú từ năm 1980, ban đầu là phó chủ tịch ngoại vụ. Từ 1991 đến 2004 là chủ tịch, hơn 23 năm. Trải qua suốt hai đời cha sở. An Phú là một giáo xứ nhỏ, đa số là dân lao động nghèo, sống bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Thành viên của HĐMV cũng là những người bình dân. Nhưng anh em chúng tôi vẫn tự hào là đã làm được nhiều việc trong quá trình phục vụ cộng đoàn, xây dựng và phát triển giáo xứ.

Chúng tôi được cái linh mục quản xứ tin cậy, trao trách nhiệm, lắng nghe mọi ý kiến kể cả những ý kiến gay gắt, phê bình. Các Cha để ý chúng tôi bàn bạc, thảo luận cả chương trình mục vụ, sắp xếp nhân sự, đề xuất kế hoạch trùng tu, sửa chữa, kiến tạo cơ sở giáo xứ…Trong các cuộc họp, các ngài không ngồi ghế chủ tọa, không chỉ đạo nhất cử nhất động. Tất nhiên quyết định cuối cùng vẫn là cha sở nhưng nhìn lại có đến hơn 80% quyết định của các ngài được HĐMV đề xuất, tham gia từ trước.

Chính tinh thần dân chủ, tôn trọng giáo dân thong qua HĐMV đã tạo điều kiện cho giáo dân trưởng thành, tham gia tích cực vào mọi hoạt động của giáo xứ. HĐMV không phải là tổ chức hữu danh vô thực, không phải là “thiên lôi” của cha sở.

Chỉ tiếc là một số cha sở không dám tin vậy vào HĐMV, không coi họ là những người đồng hành trong sứ vụ của mình.

Tác giả: Phạm Văn Điệp (Nguyên chủ tịch HĐMV, TGP TP.HCM)

Đăng nhận xét

[facebook][disqus][blogger]

Giáo xứ Ngô Khê

{facebook#https://www.facebook.com/profile.php?id=100011937845638} {twitter#https://twitter.com/giaoxungokhe} {google-plus#https://plus.google.com/u/0/113369306614831660046} {youtube#https://www.youtube.com/c/Gi%C3%A1oX%E1%BB%A9Ng%C3%B4Kh%C3%AA}

Ban Quản Trị Website

Tên

Email *

Thông báo *

Hình ảnh chủ đề của friztin. Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget