Trẻ con chơi cả tháng



Trích sách Điên như nhà hiền triết, Roger-Pol Droit. Nhà xuất bản Seuil.

Cả chục đứa trẻ con, đa số là con trai từ bảy đến mười tuổi. Xa xa một chút, ba đứa con gái chơi bên cạnh. Từ sáng sớm chúng đã háo hức. Mấy đứa con gái vừa nhảy vừa hát như hội. Mấy đứa con trai cứ từng hai đứa một ôm nhau đánh vật. Chơi chán, mấy đứa con trai chia thành hai phe đánh đấm với các vũ khí tưởng tượng, với gió kiếm huơ huơ trên không. Đám con gái cùng nhau chơi trò chơi may vá, tay thoăn thoắt như dệt thoi, dệt cửi, may vá áo quần giống như các cô gái khuê phòng chờ chồng đi trận về.

Giờ này thì chúng bớt náo nhiệt. Đám con trai chơi nhảy cừu. Cứ từng nhóm ba đứa ngồi chồm hổm dưới bóng cây ô-liu. Đứa lớn nhất tách riêng ra, chúng chơi với con vụ bằng đất nung trên tấm phiến đá phẳng. Đám con gái chơi trò nấu ăn, chúng dùng các dụng cụ nấu ăn nho nhỏ của bác thợ gốm ở cuối đồi, bác chuyên làm các đồ chơi này cho bọn con gái. Thỉnh thoảng chúng phá lên cười.

Hoạt cảnh này làm cho người khách lạ vừa đến thăm làng ngạc nhiên cực độ. Vì sao ở làng Lampsaque này trẻ con chơi suốt ngày như vậy? Ông từ xa tới để giải quyết việc chia gia tài với người em họ, ông không hiểu gì hết. Ôâng quá ngạc nhiên khi thấy gần như tất cả trẻ con trong làng đều chơi cả ngày. Từ khi ông bước vào làng, chỗ nào ông cũng thấy có từng nhóm trẻ con chơi, nhóm chơi trong công viên, nhóm chơi trước mặt nhà.

Ông kêu chú bé chơi vụ ra hỏi. Chú này vào khoảng mười hai tuổi.

– Con nói cho ông biết vì sao hôm nay con không đến trường? Từ sáng đến giờ, ông thấy trẻ con trong làng chơi và chơi!

– Ồ như vậy thì ông không phải là người làng này rồi, bác khách lạ anh hùng ạ! Ở làng Lampsaque này, khi nào có nhà hiền triết về thăm thì trẻ con được vui chơi cả ngày để vinh danh ông.

– Để vinh danh nhà hiền triết? Con kể cho ông nghe chuyện gì vậy?

– Dạ đúng rồi, để vinh danh nhà hiền triết Anaxagore, mỗi năm mình được chơi một tháng. À đây, cha con vừa đi ruộng nho về, cha con sẽ kể cho ông nghe rõ hơn.

“Vì sao trẻ con chơi, vì như thế này. Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây đúng hai mươi năm, lúc tôi sắp làm đám cưới, có nhà hiền triết Anaxagore đi về làng Lampsaque là làng của ông, lúc đó ông già yếu lắm rồi. Đó là một người hiểu biết rất rộng. Tôi biết ông, mẹ tôi coi sóc nhà cho ông. Một ngày nọ có một người có địa vị trong làng trách ông không lo gì cho làng, ông nói một câu làm người kia cứng họng: “Tôi lo làng của tôi rất nhiều chứ,” vừa nói ông vừa đưa tay chỉ lên trời. Bởi vì ông chỉ quan tâm đến những chuyện trên trời. Ông để hết cả thì giờ vào việc nhìn mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, ông biết hết mọi chuyện về chúng! Ông nói ông sinh ra chỉ để làm việc này, chỉ để nhìn trời trăng!

– Thì cũng có một vài người giống nhà hiền triết. Nhưng tại sao trẻ con lại không đến trường như các nơi khác?

– Khi ông cụ Anaxagore về lại làng, lúc đó ông cũng đã ngoài bảy mươi, ông rất đau yếu, tôi đã nói rồi mà. Người dân làng Lampsaque chúng tôi muốn vinh danh ông. Khi ông còn ở Athènes, ông xém bị tử hình vì những điều ông nói về mặt trời. Và chính nhờ Périclès, người đệ tử tài giỏi của ông đã cứu ông. Còn phần chúng tôi, chúng tôi muốn làm một cái gì để vinh danh ông, một cái gì để dân chúng nhớ ông sau khi ông đã chết. Nhưng chúng tôi không biết làm gì. Thế là chúng tôi hội họp lại và chúng tôi cố tìm ra một việc gì để làm. Chẳng ai đồng ý ai. Vậy là chúng tôi đến hỏi xem ông thích gì để chúng tôi vinh danh ông, ông là người mà mọi người khen là rất khôn ngoan.

– Ồ vậy sao?

– Thế là chúng tôi cử một người đại diện đến nhà ông. Mẹ tôi kể ông chỉ xin mỗi năm đến tháng kỷ niệm ông chết, dân làng hãy để cho trẻ con vui chơi. Ông thấy đó, chúng tôi tôn trọng ước nguyện của nhà hiền triết.


Nguồn gốc câu chuyện kể:

Vào cuối đời, Anaxagore đi về làng Lampsaque và chết ở đây. Lúc đó các quan chức trong làng hỏi ông muốn dân làng làm gì cho ông, ông trả lời hàng năm đến tháng ông chết, xin dân làng để cho trẻ con vui chơi tháng đó.

Diogène Laerce, Chương II, 14

Tiểu sử Anaxagore:

Sinh vào khoảng năm 500 trước công nguyên ở Clazomènes, ngày nay là Smyrne, chết vào khoảng năm 428 ở Lampsaque. Năm hai mươi tuổi ông đến Athènes và ở đó gần hết cuộc đời. Về nguồn gốc con người, ông cho rằng đó là một nguyên tắc vô tận và không có giới hạn, vấn đề tìm để hiểu xem Khả Năng Trí Tuệ của đấng sáng tạo thuộc về vật chất hay không là một vấn đề còn tranh cãi. Đồ đệ xuất sắc của ông là Périclès, ông này bị người dân thành Athéniens kết tội nghịch đạo vào năm 432 trước công nguyên.
Chuyên mục:

Đăng nhận xét

[facebook][disqus][blogger]

Giáo xứ Ngô Khê

{facebook#https://www.facebook.com/profile.php?id=100011937845638} {twitter#https://twitter.com/giaoxungokhe} {google-plus#https://plus.google.com/u/0/113369306614831660046} {youtube#https://www.youtube.com/c/Gi%C3%A1oX%E1%BB%A9Ng%C3%B4Kh%C3%AA}

Ban Quản Trị Website

Tên

Email *

Thông báo *

Hình ảnh chủ đề của friztin. Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget