Đức Phanxicô tiếp các giám đốc của các tạp chí Dòng Tên châu Âu ngày 19 tháng 5 năm 2022. Trong cuộc họp này, ngài đã thảo luận về một số chủ đề như cuộc chiến ở Ukraine, báo chí, chủ nghĩa truyền thống và thượng hội đồng Đức.
Ngài đã dành cuộc phỏng vấn mở rộng cho những người chịu trách nhiệm về các tạp chí văn hóa châu Âu trong Thư viện riêng của Dinh tông tòa. Bà Lucienne Bittar, tổng biên tập tạp chí Choisir, có trụ sở tại Geneva đã có mặt trong buổi họp này. Các phương tiện truyền thông đã chọn ngày 14 tháng 6 – 2022 để đồng thời phát sóng nội dung cuộc phỏng vấn. Trang Công giáo Thụy Sĩ cath.ch ghi lại những đoạn quan trọng nhất.
Sự có mặt tại Rôma của ông Pawel Kosinski, biên tập viên báo Deon của Ba Lan đã tự nhiên đưa câu chuyện về thảm kịch Ukraine vào buổi nói chuyện. Đặc biệt vì Ukraine là một phần của một bang miền nam Ba Lan. Khi được hỏi các tu sĩ Dòng Tên địa phương nên thông báo về tình trạng này như thế nào, Đức Phanxicô khuyên nên “tránh xa hình ảnh thường thấy của Cô bé quàng khăn đỏ”. Cô bé quàng khăn đỏ là tốt và con chó sói là xấu. Ở đây không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình, theo nghĩa trừu tượng. Một cái gì đó toàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố đan xen nhau rất nhiều.
Theo ngài, trong cuộc chiến này, quả thực không có “khía cạnh xấu, khía cạnh tốt của siêu hình”. Ngài nói tiếp: “Những gì chúng ta thấy, “là sự tàn bạo và dữ dội mà cuộc chiến do quân đội Nga xúc tiến và thường các quân nhân này là lính đánh thuê (…) Điều nguy hiểm là chúng ta chỉ thấy những gì quỷ quái chứ không nhìn thảm kịch bên trong diễn ra trong hậu trường cuộc chiến, theo một cách nào đó, hoặc bị khiêu khích hoặc không bị ngăn cản. Tôi có thể thấy có sự quan tâm đến việc thử nghiệm và bán vũ khí”.
Người Ukraine, một dân tộc dũng cảm
Vì thế Đức Phanxicô đã tự bảo vệ mình khỏi cái nhìn manikêô phân biệt thiện ác, ngài nói: “Vào thời điểm này, có thể có người nói tôi: cha ủng hộ-Putin! Không, tôi không ủng hộ. Sẽ là đơn giản và sai lầm nếu nói như thế. Tôi chỉ phản đối việc giảm bớt sự phức tạp theo kiểu phân biệt kẻ tốt kẻ xấu (…) Đúng là người Nga nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần, nhưng họ đã tính toán sai. Họ đã thấy một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang chiến đấu để tồn tại và một lịch sử đấu tranh”.
“Đúng là phải mất một thế kỷ để một Công đồng được bén rễ” – Đức Phanxicô
Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc đối thoại trực tuyến với thượng phụ Kyrill, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga. Thượng phụ Kyrill “đọc một tuyên bố, trong đó thượng phụ đưa ra những lý do để biện minh cho cuộc chiến”. Đức Phanxicô cho biết, “khi ông nói xong, tôi đã can thiệp và nói với ông: ‘Thưa anh, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước (chieri di Stato), chúng ta là mục tử của giáo dân”.
Truyền đạt “trải nghiệm con người”
Đức Phanxicô cũng xin mọi người đừng quên những cuộc xung đột đẫm máu khác trên thế giới. Các cuộc chiến mà từ đó các tạp chí Dòng Tên được kêu gọi để trình bày “khía cạnh con người”. Giáo hoàng đưa ra: “Hãy quan sát địa chính trị của các bạn, nhưng đừng bỏ qua phản ánh nhân bản về chiến tranh”. Ngài kêu gọi Dòng Tên dành ưu tiên “nói lên kinh nghiệm con người qua các ý tưởng và lý luận” tránh “những ý tưởng trừu tượng”. “Sứ mệnh của một công bố Dòng Tên không thể chỉ là thảo luận, nhưng trên hết, nó phải giúp phân định dẫn đến hành động”.
Các câu hỏi về Thượng hội đồng Đức
Đức Phanxicô cũng trả lời một câu hỏi liên quan đến Thượng hội đồng Đức. Ngài tiết lộ đã viết một thư về quá trình này ở Đức. “Tôi nói với chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, giám mục Georg Bätzing: ‘Có một Giáo hội tin lành rất tốt ở Đức. Chúng tôi không cần một Giáo hội thứ nhì’. Vấn đề được đặt ra khi có con đường hiệp hành xuất phát từ giới tinh hoa trí thức, thần học và rất bị ảnh hưởng của các áp lực bên ngoài. Có những giáo phận có hành trình hiệp hành đã được thực hiện với các tín hữu, với dân chúng, tuy một cách chậm rãi.”
Với câu hỏi “Cha thấy những dấu hiệu đổi mới thiêng liêng nào trong Giáo hội?”, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta “đổi mới cách nhìn thực tại, cách đánh giá nó”. Ngài khen “các tân giám mục đã nhớ có một Công đồng Vatican II đằng sau họ.” Vì thế ngài chỉ trích “chủ nghĩa tái cấu trúc mà về cơ bản là không chấp nhận Công đồng Vatican II (…). Đúng là phải mất cả thế kỷ để một Công đồng bén rễ. Chúng ta vẫn còn bốn mươi năm để làm cho nó bén rễ!”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đăng nhận xét