Tại sao đạo Công Giáo lại bắt các tín hữu phải đi lễ vào Chúa
Nhật? Con đi lễ từ thứ hai đến thứ bảy chẳng lẽ không bằng một người chỉ
đi lễ ngày Chúa Nhật à?
|
Chào bạn,
Bất
cứ một tôn giáo nào cũng có những buổi cử hành lễ tế như là một hành vi
thờ phượng dành cho Đấng Tối Cao của mình. Đối với người Công Giáo,
hành vi thờ phượng được cho là cao nhất chính là việc hiệp cùng với vị
linh mục dâng thánh lễ. Trong thánh lễ ấy, chúng ta tái hiện lại cuộc tế
lễ năm xưa Đức Giêsu đã dâng trên cây thập giá. Người dâng là Đức
Giêsu, của lễ dâng lên Chúa Cha cũng chính là Đức Giêsu. Thánh lễ là một
cuộc quy tụ của cả vũ trụ hướng về tâm điểm Giêsu, để cùng Giêsu hướng
về Cha. Bởi thế, ơn ích mà một thánh lễ mang lại là rất lớn và không sao
đo lường được. Tự bản chất, thánh lễ là vô giá, dù nó được cử hành ở
nơi trang nghiêm như các Vương Cung Thánh Đường rộng lớn hay nơi một nhà
tù dơ bẩn ẩm thấp, dù do Đức Giáo Hoàng chủ sự hay một cha già nằm trên
giường bệnh dâng. Vậy nếu thánh lễ là vô giá thì dù bạn đi lễ ngày
thường hay ngày Chúa Nhật thì xét về mặt ơn ích, bạn vẫn lãnh nhận được
cùng một ơn lành.
Việc
muốn các tín hữu đi lễ ngày Chúa Nhật như một điều bắt buộc không liên
quan đến tính giá trị của một thánh lễ (vì như đã nói ở trên, thánh lễ
nào cũng đều vô giá cả), nhưng liên quan đến ý nghĩa đặc biệt của ngày
Chúa Nhật và mức độ ưu tiên của nó hơn những ngày khác trong tuần. Thiên
Chúa là Đấng vượt trên không gian và thời gian, nếu đối với Ngài, ngày
nào cũng như ngày nào. Nhưng đối với con người thì không như vậy. Không
chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng chính kinh nghiệm bản thân cũng
cho chúng ta thấy rằng ngày Chúa Nhật có cái gì đó khác với những ngày
khác. Nó là một ngày đặc biệt hơn, chất chứa nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta
hãy cùng điểm lại một vài chi tiết trong Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa
trọng đại có một không hai của ngày Chúa Nhật khiến cho nó trở thành
ngày trọng đại để dâng lễ tế.
Trước hết, trong trình thuật Sáng Thế, tác giả cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã hoàn tất công trình tạo dựng và “ngày thứ bảy [tức là ngày Chúa Nhật của mình] Người nghỉ ngơi và Thiên Chúa chúc lành cho ngày này” (x. St 2,3). Trong sách Xuất Hành, khi ban luật cho dân, Thiên Chúa đã nói rằng “trong
sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày
thứ bảy [ngày Chúa Nhật] là hưu lễ kính Thiên Chúa của ngươi; ngươi
không được làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai
tớ gái của ngươi. Vì trong sáu ngày, Thiên Chúa đã làm nên trời đất,
biển và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày
thứ bảy, bởi thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thành
nó” (Xh 20,9-11).
Trong
thời gian lưu đày ở Babilon, dân Israel rơi vào khủng hoảng. Họ tự vấn,
không biết Thiên Chúa bây giờ ở đâu vì lúc đó không còn Đền Thờ, không
còn đất hứa như lời Thiên Chúa đã hứa cùng tổ phụ Apraham và với vua
Đa-vít nữa. Chính lúc này, Thiên Chúa cho họ biết rằng Thiên Chúa không
còn ngự ở một nơi (Đền Thờ) như trước, nhưng là hiện diện trong một thời
gian, đó chính là ngày Sabat (ngày Chúa Nhật). Ngày Sabat là ngày của
Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đưa đến hoàn tất tất cả những gì còn dang dở
trong công trình tạo dựng. Việc Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành các
bệnh nhân trong ngày Sabat chính là để thể hiện ý này: Ngài cho thấy
mình là Thiên Chúa, đến để hoàn tất công trình cứu độ. (Tiếc thay, những
người Pharisêu đã không hiểu, lại còn lên án Đức Giêsu).
Hơn
hết, ngày Chúa Nhật là ngày quan trọng vì đó là ngày là Đức Giêsu –
Chúa chúng ta – đã phục sinh. Điều này một lần nữa bổ sung cho tính
“hoàn tất” của ngày Chúa Nhật. Với sự phục sinh của Đức Giêsu, ngày Chúa
Nhật mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự hoàn thành
của một công trình tạo dựng mới mà Thánh Thần thực hiện nơi Đức Giêsu.
Đó cũng chính là đỉnh điểm của ơn cứu độ và là điểm đến của mọi loài thụ
tạo trong trời đất. Từ ý nghĩa này, ngày Chúa Nhật được Giáo Hội chọn
để tất cả con cái mình ở khắp nơi quy tụ về với nhau, cùng nhau long
trọng dâng lên Thiên Chúa Cha lời tạ ơn từ sâu thẳm con tim mình, tưởng
nhớ rằng chính vào ngày này là ngày Thiên Chúa hoàn tất mọi sự, ngày mà
chúng ta được thánh hoá, ngày ân sủng của Thiên Chúa, “ngày Thiên Chúa
làm ra”. Họp nhau vào ngày Chúa Nhật tại thế giới này báo trước một cuộc
họp mặt với nhau trong bàn tiệc vĩnh cữu trên trời mai sau. Thánh lễ
ngày Chúa Nhật là một lễ tế của toàn thể dân Chúa, nó mang tính chất của
một cộng đoàn là toàn thể Giáo Hội. Nó hệt như ngày tất cả con cái về
nhà với cha mẹ, thăm cha mẹ, cùng nhau chia sẻ bữa ăn thân mật và trò
chuyện vui vẻ với nhau.
Trong
mỗi thánh lễ, Chúa cần hơn hết nơi chúng ta một tấm lòng. Thánh lễ sẽ
trở nên vô nghĩa nếu chúng ta chỉ đi vì bắt buộc, vì thói quen. Nếu
không vì yêu mến, không xuất phát từ việc ý thức được tầm quan trọng của
nó, ta sẽ cảm thấy việc đi lễ là một điều gì đó rất nặng nề. Quả thật,
nếu bạn hiểu được ý nghĩa của thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ của ngày
Chúa Nhật, bạn sẽ không đặt lên bàn cân để so sánh mức độ hơn kém thiệt
hơn là các thánh lễ ngày thường với thánh lễ ngày Chúa Nhật.
Ngoài
ra, cũng cần phải ý thức rằng, Thiên Chúa và mẹ Giáo Hội không khắc khe
đến độ đòi buộc các tín hữu phải đi lễ ngày Chúa Nhật bằng mọi giá. Nếu
bạn gặp phải một lý do nào đó bất khả kháng như bệnh tật, đang ở nơi
không có linh mục… thì chỉ cần bạn hướng lòng về Chúa thì cũng đã làm
cho Ngài vui lòng rồi. Thử lấy một ví dụ thế này: khi có người yêu, ta
có thể quan tâm và tặng quà cho người yêu vào bất cứ ngày nào. Nhưng nếu
mình quan tâm, đến thăm và tặng quà cho người yêu vào đúng một ngày nào
đó có ý nghĩa đặc biệt của người ấy (sinh nhật…) hoặc của cả hai (ngày
Valentine hoặc kỷ niệm ngày quen nhau…) thì điều đó sẽ có ý nghĩa hơn
rất nhiều, phải không?
Đến đây, chắc là bạn đã có thể tự trả lời cho câu hỏi của mình rồi nhỉ!
Xin Chúa chúc lành cho bạn!
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 27.02.2016)
Đăng nhận xét