“Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi”
(2Cr 5, 14-20)
“Tối hôm qua em đi ăn ở quán với bạn của mẹ em. Em gọi món phụ là một đĩa đậu Hà Lan và bánh ngọt là
món em thích nhất. Nhưng mẹ nói không được. Lúc đó em phụng phịu, nhưng nhớ là chính Chúa Giêsu đang ở bên
cạnh mẹ và như thế em liền mỉm cười”.
“Hôm nay, sau một ngày mệt nhọc, em về nhà. Đang khi coi phim thì em của em giật lấy chiếc điều khiển
TV. Lúc đó em rất bực tức, nhưng rồi em bình tĩnh lại và nhường cho em coi TV”.
“Hôm nay bố bảo em một điều và em đã sẵng giọng trả lời. Em thấy bố không được hài lòng. Lúc đó em xin
lỗi và bố tha thứ cho em”.
Đó là những kinh nghiệm về Lời sống được các em lớp năm ở một trường tiểu học tại Rôma kể lại. Có lẽ đó
là kinh nghiệm sống Lời Chúa đơn sơ của các em, nhưng lại là hoa trái của Tin Mừng khi được đem ra sống: nó thúc
đẩy ta mến yêu. Khi ta sống bất cứ Lời nào thì nó đều mang lại hiệu quả như nhau: thay đổi cuộc sống, đưa vào tâm
hồn ta sự thúc đẩy mến yêu, quan tâm đến nhu cầu của người khác và đặt mình phục vụ anh chị em. Điều đó không
thể khác được: việc đón nhận và sống Lời Chúa làm nảy sinh trong ta Chúa Giêsu để sống như Người. Đó là điều
thánh Phaolô giúp ta hiểu, khi thánh nhân viết cho các tín hữu tại Côrintô.
Điều thúc đẩy thánh tông đồ rao giảng Tin Mừng và hoạt động cho sự hiệp nhất của các cộng đoàn ngài lập
nên, là kinh nghiệm sâu xa thánh nhân đã trải nghiệm với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cảm nghiệm được Người yêu
thương, cứu độ; Người đã đi vào cuộc sống thánh nhân đến độ không điều gì, không một ai có thể tách rời: lúc đó không còn phải là Phaolô sống nữa, nhưng là Chúa Giêsu sống trong thánh nhân. Ý tưởng Chúa đã yêu thánh nhân đến độ ban sự sống cho ngài, làm cho lòng mến yêu nên cuồng nhiệt, ban an bình và thúc đẩy với sức mạnh kỳ diệu, giúp thánh nhân sống với lòng mến yêu của Người.
Có phải tình yêu Đức Kitô cũng thôi thúc chúng ta với sức mạnh như vậy không?
Nếu thực sự chúng ta đã nghiệm được tình yêu của Người, thì ta không thể không mến yêu và can đảm đi vào
nơi chia rẽ, xung khắc, oán thù, để mang đến hòa thuận, an bình, hiệp nhất. Tình yêu nâng tâm hồn vượt trên cản trở,
để đến với mọi người bằng hiểu biết, chia sẻ và để cùng nhau tìm ra giải pháp. Đó là hành động ta nên thực hiện, hiệp
nhất phải được nuôi dưỡng bằng mọi cách, không để cho mình bị cản trở bởi sự khôn ngoan giả hiệu, bởi khó khăn
hay những xung đột có thể xảy ra.
Điều xem ra khẩn trương nhất là lãnh vực đại kết. Lời sống được chọn cho tháng này là sống và cầu nguyện
cho tuần hiệp nhất, chính là để các Kitô hữu thuộc các giáo hội và cộng đoàn khác nhau cùng sống, để tất cả đồng cảm
nhận mình được thúc đẩy bởi tình yêu Đức Kitô, để đến với nhau và hàn gắn lại sự hiệp nhất.
Chị Chiara Lubich đã khẳng định trong buổi khai mạc Hội đồng đại kết Âu châu tại Graz, nước Áo, ngày 23
tháng 6 năm 1997 như sau:
“Chỉ có người biết mến yêu người khác với chính tình yêu của Thiên Chúa mới nên tín hữu Kitô đích thực,
lòng mến yêu làm cho họ nhìn thấy Đức Kitô nơi mỗi người, lòng mến yêu hướng tới mọi người - Chúa Giêsu đã chết
cho toàn thể nhân loại - lòng mến yêu luôn nảy sinh sáng kiến, yêu thương trước. Lòng mến yêu làm cho ta yêu
thương mỗi người như chính mình, nên một với anh chị em trong hạnh phúc và đau khổ. Và các Giáo hội cũng cần
phải yêu thương với lòng mến yêu này”.
Chúng ta hãy sống yêu thương cách đơn sơ và triệt để như các em học sinh tại Rôma.
Lm. Fabio Ciardi
Đăng nhận xét