Sao Cha không bảo chúng lên Rước Lễ
Khi còn phục vụ nơi môi trường truyền giáo, tôi có một xứ đạo tuyệt vời... : Người chưa Rửa tội đông hơn người có đạo !... Tôi mới về họ hỏi nhau "ông cha đó hả”… Sau đó họ đặt tên cho tôi "ông cha nhà thờ", rồi còn tặng cho tôi một cái tên mang suốt đời, hay ít nhất tới tận bây giờ : "Ông cha Đá Banh !”. Con hẻm họ cũng đặt tên "hẻm trường học, hẻm nhà thờ, hẻm ông cha"... Cũng may thời tôi nuôi dê và đi thiến heo miễn phí họ không đặt những tên "ấn tượng" cho tôi theo nghề nghiệp !… Quanh nhà xứ chỉ có bốn nhà có đạo. Những công việc trong giáo xứ luôn có người Lương cộng tác tích cực ! Nấu xôi, chè, làm bánh dân dã, mừng lễ quan thầy giáo xứ, những lễ kỷ niệm của cha xứ đều có mặt những bà, những cô bên lương, và sau đó cùng ăn chung mừng lễ... Sơn sửa lại nhà thờ, đèn cờ cho Noel, làm hàng rào, lấp mương... đều có bàn tay của những người đàn ông, thanh niên không có đạo. Có lần giàn phong lan của tôi bị sập với hàng ngàn chậu lan... Cả làng cả xóm xúm vào chỏi tạm lên và di chuyển toàn bộ những chậu lan vào nhà thờ, nhà xứ, có cả thầy Chùa tiếp tay... Không mất một chậu nào cả ...
Tết và Noel bà con xin tôi được vào nhà thờ dự thánh lễ... Họ hứa sẽ mặc quần áo đẹp và nghiêm túc ! Người lớn xin như vậy, còn con nít thì mặc áo quần đẹp trước nhiều giờ đến trình diện và khoe... Trước nhà thờ có đặt tượng Đức Mẹ ngoài trời, đêm đêm người ta đứng ngoài hàng rào khoanh tay cầu nguyện, có lương có giáo... Đặc biệt có bà Mười tối sáng mỗi ngày tụng kinh Phật, nhưng ngày thứ Bảy thì không quên cắm hoa cho Đức Mẹ trước sân nhà thờ ! Tôi mời bà ấy vào nhà thờ, nhưng bà nói bà sợ Chúa ! Tôi chưa "hóa giải" được vấn đề thì con cháu đã đưa bà về quê chăm sóc vì tuổi già sức yếu... Những em thiếu niên thích đến chơi với các thầy, phụ huynh khuyến khích điều đó. Các em xin đi lễ hằng ngày và xin được giúp lễ như các bạn có đạo ! Tôi cho phép, các thầy tập... Tôi nói phải mặc quần dài, áo trắng, mang giày vải hay dép có quai sau, và không được chửi thề ! Em nào không có đồ giúp lễ ông cha nhà thờ cho. Nhưng phần nhiều cha mẹ chúng sắm cho hết ...
Thời điểm đó nhà thờ tôi có nhiều giáo dân vãng lai đi lễ, hoặc từ những giáo xứ chung quanh, hoặc từ Ngã Ba Ông Tạ, Xóm Mới... Họ qua vùng này để đóng tàu vượt biên ! Họ thỉnh thoảng vào chào tôi sau lễ và phàn nàn : " Sao cha không bảo chúng lên rước lễ ! Mấy đứa giúp lễ đó ! Kẻo sinh gương xấu cho cả nhà thờ !...”. Họ đã cười bò và khá xúc động khi nghe tôi nói : "Đã Rửa tội đâu mà Rước lễ !"... Về sau trong số này có hai anh em ruột, không có mẹ, bố đã vượt biên định cư bên Mỹ. Các cháu ở với bà nội xin tôi theo đạo... Bà nội đồng ý và sau này bà cũng theo đạo trước khi chết, người vốn đêm đêm khoanh tay trước tượng Đức Mẹ trước sân nhà thờ... Tôi bảo chúng con còn nhỏ (12 và 14 tuổi) phải có đơn và lời cam kết của bố chúng con ở bên Mỹ... Mọi sự xong xuôi và tôi đã dội nước để các em được làm con Chúa ...
Có lẽ vì quá vất vả hay sao mà Chúa đã cho chúng tôi nhiều món quà quí báu... Chúng tôi chỉ biết tạ ơn Ngài, vì coi đó là một trong nhiều hồng ân Ngài ban tặng... Và chúng tôi đã học được rất nhiều về tấm lòng và cái Tâm của người bên lương ...
F.X. Ngô Phục
Đăng nhận xét