Giấy Phong Khê | Nước thải “dìm chết” cả Nghĩa Trang

vanhien.vn - Thở dài ngao ngán là thói quen thường ngày của người dân Phường Phong Khê – Thành phố Bắc Ninh. Chuyện các cơ sở sản xuất, tái chế giấy xả thải gây ô nhiễm môi trường như điệp khúc hát đi hát lại. Khói bụi, mùi hôi thối, nước thải ôm chặt lấy cuộc sống người dân không chịu buông tha. Người sống đã vậy người chết cũng chẳng yên thân…
Ô nhiềm à! Thường thôi!
Đã hai lần, Văn Hiến lên tiếng về vấn nạn ô nhiễm làng nghề giấy Phong Khê – Thành phố Bắc Ninh. Bài viết đầu tiên năm 2013, bài thứ hai là năm 2017. Không chỉ Văn Hiến, hàng loạt báo đài từ trung ương đến địa phương vẫn thường xuyên đưa tin, đăng bài, thực hiện phóng sự về điểm ô nhiễm vào bậc nhất miền Bắc. Thế nhưng, mọi nỗ lực của báo chí dường như cũng chỉ như muối bỏ bể. Tình trạng ô nhiễm ở Phong Khê trong những năm qua không những không có dấu hiệu suy giảm mà còn trở nên trầm trọng hơn gấp bội.
Với việc chỉ một phường nhỏ như vậy mà Phong Khê tập trung tới hơn hai trăm cơ sở chuyên sản xuất, tái chế các loại giấy. Điều đặc biệt, Giấy Phong Khê được xem là nguồn cung cấp dồi dào và chủ lực cho thị trường Miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Nhu cầu sử dụng giấy ngày một tăng cao mà có cầu thì ắt có cung nên các cơ sở giấy ở Phong Khê ngày một phình ra, kéo theo sản lượng tăng là chất thải và khói bụi cũng tăng theo cấp số nhân. Chỉ cần đến Phong Khê, dùng mắt thường nhìn lên bầu trời ngồn ngột khói bụi, nhìn xuống dòng sông Ngũ Huyện Khê đen kịt nước thải và hít thở bầu không khí ngột ngạt, hôi thối, nồng nặc, khó chịu là đủ biết cấp độ ô nhiễm ở đây như thế nào mà không hề cần đến bất kỳ thiết bị đo đạc, quan trắc nào.
Câu chuyện “đánh đổi môi trường lấy kinh tế” xem ra đã quá nhàm chán với người dân Phong Khê. Nói đến Phong Khê là nói đến giấy, là nói đến ô nhiễm. Nghề giấy nuôi sống và làm giàu cho rất nhiều gia đình ở Phong Khê nhưng nghề giấy cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn nạn ô nhiễm khủng khiếp chưa có lời giải hữu hiệu. Đến Phong Khê hỏi chuyện về ô nhiễm, người dân nơi đây sẽ ồ lên “Ô nhiễm à! Thường thôi”. Dường như dân Phong Khê đã quá quen với chuyện này và họ chấp nhận sống chung với ô nhiễm môi trường. Không phải họ coi thường hay thiếu hiểu biết về tình trạng ô nhiễm sẽ có hậu quả thế nào nhưng họ đành phải cắn răng chịu đựng vì lực bất tòng tâm. Dẫu vậy, trong sâu thẳm chắc chắn người dân Phong Khê vẫn mong một cuộc sống yên bình, trong lành với bầu trời xanh ngát, con sông lững lờ trôi và những đứa trẻ thoải mái vui đùa không lo vấp ngã.
Chết cũng chẳng yên…
Suốt những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đã gắn liền với ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai đến ô nhiễm nguồn nước. Người sống chịu cảnh ô nhiễm đã đành, nhưng đến người chết cũng chẳng yên. Chứng kiến cảnh nước thải các cơ sở sản xuất, chế biến  giấy ngày đêm thi đua nhau xả ra nghĩa trang nhân dân khu Ngô Khê – Phường Phong Khê – Thành phố Bắc Ninh mà khó ai kìm được nỗi xót thương. Nước thải từ việc sản xuất, tái chế giấy bao quanh, vây chặt lấy những ngôi mộ nhỏ bé.
Người dân Ngô Khê đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này nhưng cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt”, các cơ sở sản xuất, chế biến  giấy vẫn không ngừng xả thải trực tiếp, “dìm chết” cả nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ trong biển nước thải đen đúa, nồng nặc mùi hóa chất. Để khắc phục tình trạng này, người dân Ngô Khê phải đào mương xung quanh, lắp hệ thống máy bơm để chống ngập, nhưng tất cả cũng chẳng thấm vào đâu, vì xung quanh nghĩa trang đều bị nước thải bao vây không lối thoát. Ngày nắng thì còn đỡ, những ngày mưa, nước ngập lênh láng, những ngôi mộ chìm nghỉm trong biển nước chỉ hở lại phần bia. Đấy là chưa kể những gia đình có người thân an táng vào hôm trời mưa thì còn khổ sở gấp trăm gấp vạn lần.
Người sống còn biết lên tiếng, biết đấu tranh để bảo vệ môi trường, môi sinh nhưng người chết thì không thể. Có người bảo, lúc sống ngày ngày hít no khói bụi cũng chỉ mơ lúc chết trở về đất mẹ được bình yên nào ngờ nằm dưới mồ mà cũng không yên. Nghề giấy đem lại nhiều công việc, nuôi sống biết bao người nhưng nó cũng khiến nhiều người chết dần chết mòn, không những giết người sống, nó còn giết luôn cả người chết. Lại có người Ngô Khê lạc quan nói hài hước, xương cốt mà ngâm trong hóa chất như vậy thì “bền” đến muôn đời, không gì phá nổi!
Biết trách ai bây giờ đây?
Người Ngô Khê bảo, nhìn nghĩa trang ngập trắng trong nước thải họ đau xót như cắt từng khúc ruột. Nơi an nghỉ của các đấng bậc tiên tổ, cha ông, người thân… trở thành hồ chứa nước thải tự bao giờ. Nhưng biết kêu ai, biết trách ai bây giờ. Ngửa mặt lên trời than không thấy trời trả lời, cúi mặt xuống kêu đất, đất cũng im lặng, quay sang hỏi chính quyền, chính quyền chưa có giải pháp, người Ngô Khê có lẽ đành chấp nhận hiện thực như số phận đã an bài.
Bao năm sống giữa cảnh ô nhiễm trầm trọng, người dân đã bao lần viết thư kiến nghị, đề nghị, gặp gỡ trao đổi hết các cấp nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đó, thậm chí còn tệ hại hơn, các cơ sở sản xuất, chế biến  vẫn tiếp tục sinh nôi nảy nở. Bất lực trước hiện thực nghiệt ngã, có lẽ họ đã tặc lưỡi buông xuôi. Sống chung với ô nhiễm thì chết chung với ô nhiễm cũng chẳng sao, lúc sống không lo được thì chết đi rồi cần gì nữa. Có ô nhiễm đến mấy, người chết cũng không chết lại một lần nữa. Những lập luận nghe chua xót nhưng mà thực tế, một thực tế tiều tụy.
Những người lớn tuổi ở Ngô Khê không thích nhắc đến chuyện nghĩa trang. Họ bảo đó là nỗi đau của dân làng nhiều năm qua. Các cụ đau xót vì môi trường bị phá hủy, đến nghĩa trang là nơi an nghỉ của người quá cố cũng bị xâm hại đến cùng cực. Thế hệ trước đang nợ thế hệ sau một môi trường trong lành, một nền kinh tế phát triển bền vững. Một cuộc đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá bất chấp hậu quả nặng nề đã, đang và sẽ tiếp tục tàn phá quê hương.
Dù không phải là người hủy hoại môi trường nhưng những người Ngô Khê đang phải gánh chịu những hậu quả không tưởng. Không chỉ những thế hôm nay, thế hệ tương lai ở Ngô Khê phải chịu cảnh ô nhiềm môi trường mà cả những bậc tiên tổ của họ đang nằm dưới những nấm mộ bất động cũng phải sống chung với ô nhiễm. Văn hóa người Việt đề cao sự tôn trọng mồ mả thi thể của người khác. Pháp luật cũng quy định rất chi tiết về hành vi xâm pham thi thể. Dẫu vẫn biết cái giá phải trả cho việc phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, thiếu tính toán là chính môi trường nhưng điều khó hiều nhất là có nhiều nơi, nhiều cách để người ta xả nước thải cớ sao lại để nước thải “dìm chết” cả một nghĩa trang như vậy?

Nguồn: Văn Hiến Việt Nam
Chuyên mục:

Đăng nhận xét

[facebook][disqus][blogger]

Giáo xứ Ngô Khê

{facebook#https://www.facebook.com/profile.php?id=100011937845638} {twitter#https://twitter.com/giaoxungokhe} {google-plus#https://plus.google.com/u/0/113369306614831660046} {youtube#https://www.youtube.com/c/Gi%C3%A1oX%E1%BB%A9Ng%C3%B4Kh%C3%AA}

Ban Quản Trị Website

Tên

Email *

Thông báo *

Hình ảnh chủ đề của friztin. Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget