1. Kinh Lạy Cha là nền tảng của đời sống cầu nguyện.
Ðức
Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng cầu nguyện không phải là những lời nói
ma thuật của những Kitô hữu. Khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta
cảm nghiệm Thiên Chúa đang dõi mắt nhìm xem chúng ta. Lời cầu nguyện này
phải là nền tảng trong đời sống thiêng liêng. Ðây là nội dung bài giảng
của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 16 tháng 06 năm
2016, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta.
Ðức Giêsu luôn quy hướng về Cha trong những giây phút thách đố nhất
Ðược
gợi hứng từ bài Tin Mừng, thuật lại việc Ðức Giêsu dạy các môn đệ cầu
nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Ðức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư của mình
về giá trị và ý nghĩa của cầu nguyện trong đời sống của một Kitô hữu.
“Ðức Giêsu luôn gọi 'Cha' trong những giây phút quan trọng hay thách đố
nhất của cuộc đời. Chúa Cha biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta
cầu xin. Ngài là một người Cha luôn biết lắng nghe những điều kín ẩn nơi
tâm hồn. Và chính Ðức Giêsu đã khuyên chúng ta hãy biết cầu nguyện nơi
kín ẩn chứ đừng lải nhải như dân ngoại.
Chính nhờ Cha mà chúng ta
nhận lãnh được căn tính của mình là người con. Và khi thân thưa 'Cha
ơi', thì điều ấy chạm đến cội rễ của căn tính nơi chúng ta: Căn tính
Kitô hữu là trở nên con cái Chúa và đây là ân sủng của Thần Khí. Không
ai có thể nói 'Lạy Cha' mà không nhờ ân sủng của Thánh Thần. 'Lạy Cha'
cũng là từ mà Ðức Giêsu đã dùng trong những thời khắc quan trọng: Khi
Ngài tràn đầy niềm vui hay dạt dào cảm xúc: 'Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì
Cha đã mặc khải cho những người bé mọn.' Hay khi Ngài khóc thương trước
phần mộ của bạn Ngài là Lazaro: 'Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhận
lời con.' Hoặc là trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời trên
thánh giá.
Như vậy, 'Lạy Cha' là từ được Ðức Giêsu sử dụng nhiều
nhất trong những giờ phút quan trọng hay những thời khắc thách đố nhất
của cuộc đời. Nếu chúng ta không cảm thấy mình là con cái Chúa, không
muốn xem mình là con của Ngài, không muốn thân thưa 'Lạy Cha'; lời cầu
nguyện của chúng ta cũng giống như dân ngoại, chỉ là lải nhải những lời
vô nghĩa.
Kinh Lạy Cha là nền tảng cầu nguyện
Nếu chúng ta không thể bắt đầu cầu nguyện với những lời của Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu.
'Lạy
Cha'. Ðó là một tâm tình khi cảm nhận được Cha đang nhìn xem chúng ta,
cảm nhận được cầu nguyện không phải là chuyện mất thời gian. Nhưng đó là
một lời mời đến cùng Thiên Chúa để Ngài ban tặng cho chúng ta căn tính
được làm con. 'Lạy Cha' chính là chiều kích quan trọng trong lời cầu
nguyện Kitô giáo. Chúng ta có thể cầu nguyện với các thánh, các thiên
thần khi chúng ta đi đường hoặc hành hương. Tất cả những lời cầu nguyện
này đều rất tuyệt vời nhưng chúng ta phải bắt đầu với 'Lạy Cha' và ý
thức rằng chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta có một người Cha yêu thương
chúng ta và biết rất rõ chúng ta cần gì.
Trong kinh Lạy Cha, có
một điều rất quan trọng là: 'Xin tha tội cho chúng con như chúng con
cũng tha cho những người có lỗi với chúng con'. Ðiều này có nghĩa là lời
cầu nguyện phải chuyển tải được cảm thức của chúng ta muốn trở nên anh
chị em, là những thành viên của một gia đình. Không giống như Cain đã
thù ghét em mình, chúng ta được mời gọi để tha thứ, tha thứ cho những ai
xúc phạm chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình tha thứ, không giữ trong
lòng những chuyện thù hằn, oán giận hay muốn trả thù.
Lời cầu
nguyện đẹp nhất mà chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa là lời cầu
nguyện xin Chúa tha thứ cho tất cả mọi người cùng những tội lỗi mà họ đã
phạm. Thật tốt nếu chúng ta biết xét mình về điều này: Thiên Chúa có là
Cha của ta không? Ta có cảm nhận được Ngài là Cha không? Nếu ta không
cảm nhận được, ta hãy nài xin Thánh Thần dạy chúng ta điều đó. Chúng ta
có thể tha thứ, quên đi hận thù không? Nếu không, ta hay thân thưa với
Cha: 'Những người này cũng là con cái của Cha đấy, nhưng họ xúc phạm và
làm tổn thương con# Xin Cha giúp con tha thứ cho họ, được không Cha?'
Chúng ta hãy thực hành việc xét mình và điều ấy sẽ mang lại cho chúng ta
nhiều ích lợi. 'Lạy Cha' và 'của chúng con' đó là hai điều đem đến cho
chúng ta căn tính là con cái Chúa và trao cho chúng ta một mái ấm gia
đình trong cuộc lữ thứ hành hương về quê trời.”
2. Cầu nguyện cho kẻ thù là sự hoàn thiện trong đời sống Kitô.
Cầu
nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta sẽ giúp ích hơn cho họ và làm
cho chính chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa là cha hơn. Với suy tư
này, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng trong thánh lễ sáng
thứ ba, ngày 14 tháng 06 năm 2016, tại nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh
Marta. Bài giảng của Ðức Thánh Cha khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh
Mát-thêu, thuật lại việc Ðức Giêsu khuyến khích các môn đệ hãy trở nên
hoàn thiện, như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện, Ðấng cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt.
“'Anh em đã
nghe luật dạy; còn Thầy, Thầy bảo anh em.' Lời Chúa và hai cách thức
không thể dung hợp giữa hai lối hiểu: (1) một danh sách khô khan những
việc phải làm và không được làm; (2) lời mời gọi yêu thương Thiên Chúa
là Cha và mọi người là anh chị em bằng tất cả tấm lòng. Lời mời gọi ấy
đạt tới cao điểm khi chúng ta biết cầu nguyện cho chính những kẻ thù của
mình.
Ðây là sự biện chứng của cuộc tranh luận giữa các tiến sĩ
luật và Ðức Giêsu, giữa Lề Luật được trình bày trong một cách thức khô
khan, cứng nhắc mà dân chúng đã được truyền lại từ cha ông của họ với sự
tròn đầy, toàn hảo của cùng một Lề Luật đó nhưng đã được Ðức Giêsu kiện
toàn. Khi Ðức Giêsu bắt đầu bài giảng, những phản đối từ kẻ ghen ghét
ngài nổi lên. Ðó là những lời giải thích về luật trong một bối cảnh
khủng hoảng.
Một sự giải thích quá lý thuyết, quá nệ vào luật.
Nói khác đi, đó là luật nhưng không có trọng tâm của luật, là tình yêu
của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, Thiên Chúa nhắc lại luật của
Cựu Ước: điều răn nào là quan trọng hơn cả? Mến Chúa hết lòng, hết sức
lực, hết linh hồn và yêu mến người thân cận như chính mình vậy. Trong
lời cắt nghĩa luật của các kinh sư, giới răn yêu thương này lại không
phải là trọng tâm, hay là điều được nhắc đến. Trọng tâm lại là những
trường hợp hay điều luật: người ta có thể thực hiện được điều này không?
Hay người ta có thể thực hiện đến đâu? Và nếu không được thì sao?... Họ
chỉ nghiên cứu về luật mà thôi. Ðức Giêsu cũng nói về luật nhưng Ngài
mang lại ý nghĩa đích thực cho luật và làm cho nó được kiện toàn.
[youtube src="d181ddRwyp8"/]
Tiếp
đến, Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu đã dùng rất nhiều ví
dụ để trình bày những giới răn trong một ánh sáng mới. Chẳng hạn, chớ
giết người còn có nghĩa là không được xúc phạm hay làm tổn thương anh
em. Tình yêu là từ ngữ trào tràn và quảng đại nhất được viết trong lề
luật, đến nỗi ta sẵn sàng không chỉ cho đi áo trong mà còn cho luôn cả
áo ngoài, sẵn sàng đi hai dặm thay vì chỉ phải đi một.
Ðây không
đơn thuần là việc kiện toàn lề luật nhưng còn là hành động chữa lành con
tim. Với lối cắt nghĩa đối với lề luật mà Ðức Giêsu đã thực hiện -
trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu - luôn có một hành trình của việc
chữa lành: một con tim bị tổn thương vì nguyên tội - tất cả chúng ta đều
có một trái tim bị thương tổn vì tội lỗi. Chúng ta phải bước đi trên
con đường của sự chữa lành này và chữa lành để được nên giống Chúa Cha
là Ðấng hoàn thiện: 'Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên
trời.' Ðây là con đường chữa lành để được trở nên con cái Thiên Chúa.
Sự
hoàn thiện mà Ðức Giêsu chỉ ra được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm
nay: 'Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ
thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những
kẻ ngược đãi anh em.' Ðó là bước cuối cùng trên con đường hoàn thiện và
cũng là bước khó nhất. Ðức Thánh Cha nhớ lại rằng khi còn bé, ngài có
nghe nói đến một nhà độc tài thời đó. Người ta thường cầu nguyện xin
Chúa hãy sớm phạt ông đó xuống hỏa ngục. Nhưng thật ra Thiên Chúa cũng
đòi hỏi mỗi người chúng ta cũng phải xét mình hằng ngày.
Xin
Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta biết cầu nguyện cho kẻ
thù của mình, cầu nguyện cho những kẻ muốn làm hại chúng ta, muốn gây ra
cho chúng ta những điều xấu xa và cầu nguyện cho cả những kẻ muốn ngược
đãi chúng ta. Ta biết tên họ của những người đó. Thế nên ta hãy thân
thưa với Chúa: Lạy Chúa, con cầu nguyện cho người này; Con cầu nguyện
cho người kia. Tôi dám đoan chắc với anh chị em rằng lời cầu nguyện này
sẽ mang lại hai điều: giúp cho người mà ta cầu nguyện được tốt hơn, vì
lời cầu nguyện có sức mạnh; và chúng ta sẽ được trở nên con cái của
Thiên Chúa hơn.”
3. Câu chuyện “Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai?”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lịch
sử giữa Thiên Chúa và loài người trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu
bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những
mảng sáng, tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện
của Giuđa Iscariot. Đây là một trong số ít các sự kiện được đề cập với
cùng một mức nhấn mạnh như nhau bởi cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại
của Tân Ước.
Phúc Âm kể rằng:
Sau khi phản bội Chúa bằng
một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có
thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi
vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài
lấy dây thắt cổ tự vận.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Câu
chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng
Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha
đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của
Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người
ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở
tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên:
“Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết!
Tôi không biết phải chạy đến với ai nữa”.
Em bé ngồi bên cạnh mẹ
cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách
để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ
tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: “Má ơi,
sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?”.
Chúa Giêsu cũng có một
người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu
như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần
sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh
Mẹ... hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính
kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong
trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho
chúng ta khi Ngài nói: “Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các
ngươi không được vào nước Trời”.
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ.
Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của
trẻ thơ cho bằng tiếng “Mẹ”. Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ
cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ
cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy
tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn
nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng
có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời
cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong
trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
4. Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng
Sáng
thứ Bẩy 18 tháng 6, trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt với 50 ngàn tín
hữu, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người hãy đón nhận lời mời của Chúa
Giêsu “hãy hoán cải”.
Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt mỗi tháng một lần vào ngày thứ Bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Sau
khi sống lại, Chúa Giêsu xuất hiện nhiều lần với các môn đệ trước khi
lên trời đến vinh quang của Chúa Cha. Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe (Lc
24,45-48) kể về một trong những lần xuất hiện này, trong đó Chúa chỉ ra
nội dung căn bản trong sứ điệp các tông đồ sẽ mang đến cho thế giới.
Chúng ta có thể tổng hợp nó trong hai từ: “hoán cải” và “tha thứ tội
lỗi”. Đây là hai khía cạnh quan trọng của lòng thương xót của Thiên
Chúa, đang chăm sóc cho chúng ta trong tình yêu. Hôm nay chúng ta sẽ xem
xét chủ đề hoán cải.
Chủ đề này được trình bày thông qua Thánh
Kinh, và một cách đặc biệt, trong việc rao giảng của các tiên tri, là
những người liên tục mời gọi mọi người hãy “trở về với Chúa” trong khi
kêu gọi họ tha thứ và thay đổi lối sống. Hoán cải, theo các tiên tri,
nghĩa là thay đổi hướng đi và một lần nữa quay về với Chúa, trong niềm
tín thác rằng Ngài yêu thương chúng ta và tình yêu của Ngài luôn luôn là
thành tín.
Chúa Giêsu đã chọn hoán cải là từ đầu tiên trong hành
trình rao giảng của Ngài: “Hãy hoán cải, và tin vào Thánh Kinh” (Mc
1:15). Cùng với lời loan báo này, Ngài trình bày chính mình cho mọi
người, yêu cầu họ chấp nhận lời Ngài như những lời chung cuộc và dứt
khoát của Chúa Cha đối với nhân loại (Mác 12,1-11). So với việc rao
giảng của các tiên tri, Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ hơn chiều kích
nội tâm của việc hoán cải. Thật vậy, toàn bộ con người phải toàn tâm
toàn trí hoán cải để trở thành một thụ tạo mới.
Khi Chúa Giêsu
mời gọi hoán cải, Ngài không đặt mình như một vị thẩm phán xét xử dân
chúng, nhưng Ngài mời gọi họ từ một vị trí của sự gần gũi, bởi vì Ngài
chia sẻ điều kiện sống của con người và mời gọi họ trên những đường phố,
trong các gia đình, từ những bàn ăn ... Lòng Thương Xót của Ngài hướng
đến những ai cần thay đổi cuộc sống của họ đã diễn ra thông qua sự hiện
diện từ ái của Ngài hầu thu hút sự tham gia của mỗi người trong lịch sử
cứu độ. Bằng sự hiện diện này, Chúa Giêsu chạm đến những chiều sâu thẳm
của lòng người và họ cảm thấy bị thu hút bởi tình yêu của Thiên Chúa và
cảm thấy được mời gọi để thay đổi cuộc sống của mình. Câu chuyện hoán
cải của Thánh Matthêu (x Mt 9,9-13) và ông Giakêu (x Lc 19,1-10) xảy ra
chính xác trong cách thức này. Họ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa
Giêsu, và qua Ngài, là tình yêu của Chúa Cha. Hoán cải chân thực sẽ xảy
ra khi chúng ta chấp nhận ân sủng, và một dấu chỉ rõ ràng về tính xác
thực của ân sủng là khi chúng ta trở nên nhạy cảm trước nhu cầu của anh
chị em chúng ta và sẵn sàng để đến gần họ.
Anh chị em thân mến,
Bao
nhiêu lần, chúng ta cảm thấy cần phải thực hiện một sự thay đổi trong
đó lôi cuốn sự tham gia của toàn bộ con người chúng ta! Bao nhiêu lần
chúng ta nói với chính mình: “Tôi cần phải thay đổi, tôi không thể tiếp
tục sống kiểu này. Cuộc sống của tôi trên con đường này sẽ không mang
lại hoa trái; nó sẽ là một cuộc sống vô dụng và tôi sẽ không được hạnh
phúc.” Những suy nghĩ như thế có thường xuyên đến trong tâm trí chúng ta
không? Và Chúa Giêsu, Đấng đang gần gũi chúng ta, đang chìa đôi tay
Ngài ra và nói, “Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ giúp con: Ta sẽ thay đổi con tim
của con, Ta sẽ thay đổi cuộc sống của con, Ta sẽ làm cho con được hạnh
phúc” Chúng ta có tin điều này không, có hay không? Anh chị em nghĩ sao?
Anh chị em có tin điều này hay không? Hãy vỗ tay lớn hơn và kêu to hơn
nữa! Anh chị em có tin hay không? “Vâng! Chúng ta tin như thế. Chúa
Giêsu, Đấng đang ở với chúng ta nhắc nhở chúng ta phải thay đổi cuộc
sống của chúng ta. Chính Ngài, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng đang gieo
trong chúng ta sự khao khát khôn nguôi muốn thay đổi cuộc sống và sống
mỗi ngày tốt hơn một chút. Chúng ta hãy theo lời mời gọi của Chúa và
đừng kháng cự lại, bởi vì chỉ khi chúng ta mở lòng mình ra cho lòng
thương xót, chúng ta mới tìm thấy cuộc sống và niềm vui thật sự.
Đăng nhận xét