«Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức
Phanxicô đã soi sáng và đã kêu gọi chúng tôi làm các công việc tập thể
để chứng tỏ mình dám làm khi nói đến các vấn đề môi trường», linh mục
Daniel Khuan Thinwan cho biết. Nhà thờ Núi Carmen của cha ở Paphanawan,
phía Đông-Bắc Thái Lan.
«Mang lời Đức Giáo hoàng đến vùng ngoại vi»
Linh mục Daniel Khuan Thinwan tin chắc,
trong thời điểm của mình, Đức Giáo hoàng đã chạm đến một vấn đề then
chốt và hoàn vũ, vấn đề môi trường. Là linh mục, cha phải chuyển lời của
Đức Giáo hoàng «đến các vùng ngoại vi». Nhưng làm sao để chuyển các lời
giáo huấn này một cách thực tế? Một bài giảng đã là tốt, nhưng linh mục
đã tìm một cách cụ thể để bổ túc: sau thánh lễ chúa nhật, người trẻ
cũng như người lớn tuổi, cầm xẻng cầm cuốc đi trồng 800 cây mà linh mục
đã chuẩn bị sẵn. Các cây sẽ lớn lên trên một ngọn đồi và giúp ổn định
đất đai, giải quyết một phần ô nhiễm môi trường. Mùa mưa sắp tới sẽ ‘đảm
nhận’ việc tưới các cây con.
Hạn hạn lớn nhất từ ba mươi năm nay
Người dân ở đây đang mong chờ mưa! Thái
Lan cũng như phần đông các nước ở Đông Nam Á bị hạn hán nặng nhất từ ba
mươi năm nay. Hiện tượng này đi theo với nạn cháy rừng, nhất là ở Nam
Dương, tạo nên những đám mây bụi làm ô nhiễm đến các nước chung quanh.
Người dân sốt ruột chờ mưa, nhất là các nhà nông. Người Thái rất quan
tâm đến môi trường, và sáng kiến của linh mục Daniel Khuan Thinwan được
mọi người cùng chia sẻ.
Chính sách về môi trường của Thái
Ngoài sự đóng góp tượng trưng tặng 100
000 đôla cho các nhà nông ở nước Việt Nam láng giềng, họ bị thiệt hại
nặng vì hạn hán, nhà cầm quyền Thái bắt đầu các công trình to lớn để
chống nạn hạn hán: đào kênh, lọc nước cho những làng bị thiệt hại nặng…
Trong một nước nông nghiệp, trồng lúa là nông sản chính mà thiếu nước
thì đúng là một tai họa cho quốc gia. Mặt khác, Thái Lan quyết tâm giảm
lượng khí CO2 thải ra vì Thái Lan là nước đứng thứ ba mươi trong số các
nước thải nhiều nhất lượng khí nhà kiếng trên thế giới.
Đăng nhận xét